1. Nguyên nhân gây đau lưng sau sinh?
Tăng cân
Khi mang thai khỏe mạnh, phụ nữ Việt Nam thường tăng tối thiểu 10kg, có những người tăng tới 20 kg. Chính vì vậy cột sống của người mẹ, ngoài việc chịu áp lực trọng tải của chính mình còn phải hỗ trợ trọng lượng khối tử cung – em bé khi mang thai.
Vùng thắt lưng là nơi tải trọng trọng lực chính, khi đó khối cơ thành bụng bị giãn nên cột sống bị mất sự hỗ trợ từ khối cơ bụng dẫn đến căng cơ nhiều hơn ở phía lưng phần thấp. Khối lượng công việc của người mẹ bị tăng dần lên khi nâng em bé lặp đi lặp lại ở tư thế uốn cong và xoắn nghiêng trong lúc di chuyển.
Ngoài ra, trọng lượng của em bé và tử cung đang phát triển cũng gây áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh ở khung xương chậu, lưng và vùng xương cùng cụt. Điều này làm tiền đề cho hiện tượng đau lưng về sau.
Tư thế thay đổi
Mang thai làm thay đổi trọng tâm cơ thể. Do đó, có thể dần dần – ngay cả khi không nhận thấy – cơ thể bắt đầu điều chỉnh tư thế và cách di chuyển. Điều này có thể dẫn đến đau vùng cột sống thắt lưng hoặc căng khối cơ lưng gây đau
Thay đổi hormone
Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ tạo ra một loại hormone được gọi là relaxin. Relaxin cho phép dây chằng ở vùng xương chậu được thư giãn và các khớp trở nên lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Hormone này có thể giúp các dây chằng hỗ trợ cột sống nới lỏng, dẫn đến mất ổn định trục cột sống. Hiện tượng này gây tăng nguy cơ viêm khớp và dây chằng. Tuy nhiên, loại hormon này vẫn ở mức cao sau khi sinh em bé khoảng 3 – 4 tháng, sau khi về mức bình thường thì hiện tượng đau lưng của bà mẹ mới giảm đi.
Căng thẳng
Cảm xúc tiêu cực khi chăm con, hay suy nghĩ, lo âu có thể gây căng cơ, đặc biệt cơ ở lưng. Việc gắng sức của cột sống được tăng dần lên theo thời gian đối với hầu hết phụ nữ, những tác động này lên cột sống hiếm khi gây nên một cơn đau cấp tính, có chăng chỉ là cảm giác mỏi, nặng, dãn vùng lưng tăng dần theo thời gian.
Loãng xương
Hiện tượng loãng xương vi thể, tức là sự mất canxi trong các bè xương, không thể nhìn thấy trên phim X-quang thông thường gây xẹp vi thể các đốt sống trong quá trình mang thai và cho con bú gây nên đau.
Đặc biệt, một số thai phụ lớn tuổi thì quá trình thoái hoá đĩa đệm cột sống đã bắt đầu xuất hiện cùng với các biến đổi hệ dây chằng giúp vững cột sống bị ảnh hưởng nên mang thai làm nguy cơ đau lưng xuất hiện sớm hơn, đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ, ngay sau sinh và trong thời kỳ chăm sóc bé.
Các động tác làm tăng gánh nặng một cách đột ngột lên cột sống như mang vật nặng, thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tổn thương các khớp xung quanh cột sống, các dây chằng gây nên cơn đau cấp tính, đôi khi cần nhập viện cấp cứu.
Quá trình viêm
Viêm có thể xảy ra do hiện tượng lỏng lẻo các khớp, các dây chằng liên quan đến cột sống thắt lưng và vùng khung chậu. Viêm là một phản ứng bảo vệ của cơ thể, đồng thời tín hiệu đau do viêm gây nên là một hình thức báo hiệu rằng vấn đề đau cần được quan tâm.
Cơ thể phản ứng lại bằng cách hạn chế thêm những tác động lên vùng đau bằng sự thay đổi tư thế, co cứng khối cơ, dây chằng. Phản ứng bảo vệ này có thể tạo nên vòng luẩn quẩn gây đau đớn nhiều hơn ở thai phụ, đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ và giai đoạn hồi phục sau sinh.
Biểu hiện của đau lưng do viêm thường biểu hiện trực tiếp hay gián tiếp ở một số khớp vùng xung quanh cột sống thấp như: Khớp mặt bên, khớp cùng chậu, khớp cùng cụt… hay ở các dây chằng thắt lưng chậu, dây chằng liên gai…
Cho con bú sai cách
Ngoài ra, nhiều bà mẹ đã vô tình làm cơn đau lưng trầm trọng hơn do không ý thức về cho con bú
Nhiễm lạnh
Phụ nữ sau sinh thường bị tổn thương khí huyết, nếu không chú ý để giữ ấm cơ thể, dễ bị gió lạnh tấn công, xâm lấn sức khỏe, gây ra hiện tượng cơ thể thừa độ ẩm, đau đớn vùng lưng, xương khớp trên toàn cơ thể. Ngoài ra, một số sản phụ nằm đệm quá cứng, hay thường xuyên đi giày cao gót, stress… cũng dễ bị đau lưng sau sinh.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, đối với trường hợp sản phụ sinh mổ cũng có thể đối diện với cơn đau lưng sau sinh vì nguyên nhân sau:
Giãn dây chằng
Những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối xương chậu và cột sống khiến cấu trúc kém ổn định, gây đau khi đi, đứng, ngồi trong thời gian dài, cúi ngửa hoặc nâng đồ. Những thay đổi này không biến mất qua một đêm.
Sau khi sinh, các dây chằng xương chậu còn lỏng lẻo, do đó, đau lưng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, lưng tiếp tục đau đến khi cơ bắp khôi phục sức mạnh, khớp và dây chằng thêm dẻo dai hơn.
Quá trình sinh con vất vả, căng thẳng trong thời gian dài đòi hỏi các cơ bắp hoạt động hết công suất, một số cơ bắp thì không được sử dụng dẫn tới đau lưng trong một thời gian.
Thiếu canxi
Trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần bổ sung đầy đủ canxi, phốt pho và các chất dinh dưỡng khác như: axit folic, vitamin A, D, B1…. Nếu chế độ ăn uống của sản phụ lúc này không thể đáp ứng nhu cầu canxi, cơ thể phải lấy từ mẹ để bù đắp cho thai nhi và gây ra loãng xương.
Sau khi sinh, sức khỏe của sản phụ vẫn ở trạng thái tương đối yếu, chưa kịp phục hồi. Mặt khác, mẹ phải cho con bú thường xuyên, lượng canxi bị thất thoát một lần nữa, tạo cơ hội những cơn đau lưng khởi phát.
Do gây tê tủy sống
Sau khi sinh mổ, nhiều phụ nữ bị đau lưng, thậm chí đau hơn so với sinh thường. Nguyên nhân là do gây tê tủy sống, một thao tác giúp thai phụ sinh mổ không bị đau đớn.
Với sinh mổ, việc gây tê ngoài màng cứng, chỗ tiêm có thể đau nhức vài ngày sau sinh nhưng việc này không gây đau lưng. Ban đầu, triệu chứng đau lưng không rõ nhưng sau đó sẽ xuất hiện dữ dội kèm tác dụng phụ của thuốc.
Có những sản phụ sau sinh 2-3 tháng sẽ cảm thấy đau lưng vô cùng từ việc thay đổi trạng thái nằm ngồi, hay chỉ là đau lưng bởi những cơn ho hay tiếng hắt hơi. Có đến hơn 90% phụ nữ sinh có áp dụng gây tê tủy sống bị đau lưng.
2. Tình trạng đau lưng sau khi sinh kéo dài trong bao lâu?
Khoảng 50% phụ nữ bị đau lưng trong tháng đầu sau sinh, trong đó 20% các bà mẹ sau sinh có tình trạng đau lưng dai dẳng sau 1 năm, thậm chí là 3 năm.
3. Cách điều trị
Các cơn đau lưng này không gây nguy hiểm cho chị em chúng mình, tuy nhiên nó ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày của bạn. Do đó, để hồi phục nhanh hơn, các mẹ có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau lưng sau đây.
3.1. Uống thuốc giảm đau
Có khá nhiều loại thuốc giúp giảm tình trạng đau lưng như Acetaminophen, opioid,… Nhưng đối với các mẹ đang còn trong giai đoạn cho con bú thì không được tự ý sử dụng thuốc, tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước.
3.2. Bài tập thực hiện tại nhà giúp hỗ trợ, giảm tình trạng đau lưng
Các mẹ có thể làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tập những bài tập giúp điều chỉnh lại tư thế hoặc phạm vi chuyển động sau sinh. Điều này có tác dụng kéo dãn, tăng sức mạnh của lưng, tăng cơ quanh cột sống và mô mềm,… giúp giảm thiểu cơn đau lưng tái phát.
Ngoài ra, chị em cũng có thể tập gập người về phía trước (hoặc các bài tập uốn dẻo khác) để kéo thẳng vùng thắt lưng, giúp cơ bụng khỏe hơn đồng thời sức mạnh cột sống được cải thiện. Những bài tập như uốn cong về phía sau làm cho cột sống được ổn định hơn, tăng sức mạnh các cơ. Bên cạnh đó, các mẹ có thể tham khảo một số bài tập khác như: duỗi gối đến ngực, nâng chân thẳng, nâng chân với tư thế nằm nghiêng,…
3.3. Vật lý trị liệu
Phương pháp này được giới chuyên gia đánh giá là cách an toàn nhất cho mẹ giúp giảm các cơn đau lưng sau sinh. Vật lý trị liệu có thể dùng để thay thế cho thuốc giảm đau, giúp kiểm soát cơn đau lưng của chị em. Bạn nên đến các trung tâm vật lý trị liệu uy tín để được điều trị một cách tốt nhất. Những phương pháp thường được các mẹ áp dụng như:
-
Liệu pháp thủy sinh.
-
Dùng sóng âm, điện xung hoặc laser để kích thích dây thần kinh.
-
Liệu pháp nhiệt nóng lạnh.
-
Dùng máy áp lực hơi hoặc massage, xoa bóp bằng tay để các cơ và cột sống được thư giãn.