1. Siêu âm cơ xương khớp là gì?
Đây là kỹ thuật chẩn đoán rách cơ, bong gân và các chấn thương mô mềm khác thông qua phương pháp ghi lại hình ảnh về cơ, dây chằng, gân và khớp. Quá trình siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao, quét hình ảnh trong thời gian thực để đánh giá điều kiện tĩnh và động của cấu trúc cơ xương từ đó phát hiện chấn thương và các bệnh lý khác tại đây.
Siêu âm cơ xương khớp chính là kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh các bệnh lý ở các khớp trong cơ thể con người như: Khớp vai, khớp cổ chân, cổ tay, bàn ngón tay, khớp gối,… Quá trình siêu âm được sử dụng sóng âm thanh ở tần số cao, ta sẽ thấy được sự tương quan giữa các vị trí tổn thương và vị trí đau khi ấn chẩn bằng siêu âm. Đặc biệt, siêu âm có thể giúp theo dõi điều trị và hướng dẫn can thiệp bệnh lý.
2. Chỉ định siêu âm cơ xương khớp
Các trường hợp cần được chỉ định siêu âm cơ xương khớp:
● Đau hoặc rối loạn các chức năng của xương khớp
● Phần xương hoặc mô mềm bị chấn thương
● Trường hợp viêm khớp, viêm bao hoạt dịch hoặc các bệnh lý lắng đọng tinh thể xương khớp
● Trường hợp có vật thể trong khoang khớp, tràn dịch khớp
● Dây thần kinh bị chèn ép, chấn thương, có khối u hoặc sai khớp nhẹ
● Trường hợp có khối u, phù nề, tụ dịch hoặc phát hiện có ngoại vật trong mô mềm
● Trường hợp dị tật bẩm sinh hay phát triển
● Đánh giá sau phẫu thuật
● Khảo sát về dây chằng.
3. Nguyên lý hoạt động của siêu âm cơ xương khớp
Quá trình siêu âm cơ xương khớp sẽ có một đầu siêu âm kết nối với máy siêu âm để tạo ra sóng âm tần số cao sử dụng yếu tố áp điện. Bên cạnh đó, cần phải bôi gel trực tiếp lên da để việc truyền sóng âm từ đầu dò và cơ thể người dễ dàng hơn. Các sóng âm thanh bị dội ngược trở lại từ mô sẽ cho kết quả hình ảnh của vùng đích được tạo ra ở máy siêu âm.
Siêu âm cơ xương khớp là kỹ thuật có khả năng đặt độ phân giải cực cao tương đương với chụp CT hoặc MRI nên sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác tương đối. Đặc biệt, phương pháp này có thể coi là biện pháp lý tưởng để chụp ảnh cấu trúc xương bề mặt bởi không liên quan đến bức xạ ion nên an toàn với chi phí thấp và nhanh chóng.
4. Công dụng của siêu âm cơ xương khớp
4.1 Đối với chẩn đoán bệnh lý
● Giúp đánh giá tình trạng chấn thương, viêm và thoái hóa cấu trúc xương ở gân, khớp, cơ bắp hay dây chằng.
● Chẩn đoán rách gân, viêm gân khi siêu âm tại vai và gân Achilles mắt cá chân.
● Nhanh chóng phát hiện các vết rách, bong gân cơ và dây chằng.
● Phát hiện kịp thời các khối mô mềm có đường kính nhỏ hơn 5cm.
● Phát hiện chính xác hiện tượng tích tụ chất lỏng gây nên tràn dịch khớp trong mô mềm, gây nên tổn thương thần kinh ngoại biên hoặc viêm màng hoạt dịch.
● Chẩn đoán chính xác khối u mềm lành tính hay ác tính, u nang hạch với hình ảnh chất lượng cao.
● Tìm ra các thay đổi bệnh lý liên quan đến một số bệnh về hội chứng viêm khớp dạng thấp, ống cổ tay.
● Phát hiện lưu lượng máu tăng cao trong mô mềm để chẩn đoán các ổ viêm bởi siêu âm sử dụng hình ảnh Doppler màu hoặc hình ảnh chảy màu.
● Ngoài ra, còn chẩn đoán các tổn thương gân cơ giúp định hướng chỉ định một vài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
4.2 Đối với điều trị bệnh lý
Phương pháp này sử dụng để điều trị đau khớp, hút dịch từ vùng cụ thể bằng cách hướng kim trong khi tiêm vào mô hoặc các cơ xương khớp.
Ngoài ra, quá trình chữa bệnh sau điều trị sẽ dễ dàng hình dung hơn và hỗ trợ nhiều cho việc theo dõi bệnh lý, hướng dẫn chọc hút sinh thiết. Lựa chọn tốt nhất để siêu âm gân chính là sử dụng đầu dò Linear 7.5 – 12 MHz.